Du khách tham quan vịnh Hạ Long không được đứng trên mũi tàu

Giá vé tham quan vịnh Hạ Long tăng trở lại
Mở đường bay Vân Đồn – Đà Nẵng từ ngày 01/11
Hang – Hồ Động Tiên, nơi tiên nữ giáng trần

Khi tham quan vịnh, du khách không phải mặc áo phao, nhưng tuyệt đối không được đứng trên mũi tàu, theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long.

Ngày 17/5, trả lời về vụ du khách rơi xuống vịnh tử vong, ông Phạm Đình Huỳnh, Phó trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long, cho biết Công an TP Hạ Long vẫn đang điều tra, chưa có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, qua báo cáo bước đầu, Ban Quản lý ghi nhận quá trình tham quan vịnh, đoàn khách uống rượu. Khi gần về cảng, du khách đứng ở mũi tàu và ngã xuống biển. “Đây là trách nhiệm của thuyền trưởng vì để khách đứng ở mũi tàu, trái với quy định”, ông Huỳnh nói.

Tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long. Ảnh: Minh Cương

Tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long. Ảnh: Minh Cương

Ông Huỳnh giải thích, trên tàu du lịch, thuyền trưởng có thẩm quyền cao nhất. An ninh, an toàn, dịch vụ trên tàu đều thuộc trách nhiệm của thuyền trưởng. Trong điều kiện không an toàn, thuyền trưởng được phép dừng tàu, thông báo cho khách và báo cơ quan chức năng.

Trước khi tàu ra khỏi cảng và lúc vào cảng, du khách phải ổn định trong khoang. Khi tàu đã rời cảng và đang trên hành trình, du khách có thể lên boong ngắm cảnh, chụp ảnh, nhưng không được đứng, ngồi lên lan can và mũi tàu. Suốt hành trình, khách không phải mặc áo phao, trừ phương tiện chuyển tải từ tàu nghỉ đêm.

“Nếu phát hiện du khách đứng, ngồi ở mũi, lan can tàu hoặc cho phương tiện khác đeo bám để bán hàng rong, Ban Quản lý vịnh Hạ Long sẽ đề nghị cảnh sát đường thủy xử phạt hành chính đối với thuyền trưởng”, ông Huỳnh nói.

Theo ông Huỳnh, du khách tiếp nhận thông tin bảo đảm an toàn qua nhiều kênh. Thứ nhất, cảng bến có bảng nội quy. Thứ hai, thuyền trưởng và thuyền viên hướng dẫn khách xuống tàu, lúc ra vào bến ngồi yên tại ghế, khi có hiệu lệnh của thuyền trưởng trong tình huống xấu thì biết chỗ lấy áo phao. Nếu thấy khách có hành vi không phù hợp thì thuyền trưởng, thuyền viên nhắc nhở.

Tuy nhiên, Phó trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long thừa nhận hình thức phổ biến thông tin như hiện nay không hiệu quả. “Tôi đang làm văn bản đề nghị quy định cụ thể du khách được làm gì, không được làm gì, chấn chỉnh đội ngũ thuyền trưởng, thuyền viên”, ông Huỳnh nói.

Bảng nội quy tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu. Ảnh: Minh Cương

Bảng nội quy tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu. Ảnh: Minh Cương

Ghi nhận của phóng viên VnExpress, những ngày này tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long có nhiều du khách lên tàu tham quan vịnh. Tại đây có hai bảng nội quy đặt cạnh khu vực soát vé xuống tàu, ngoài ra không có hình thức tuyên truyền nào khác. Nội quy ở những bảng này cũng không được ghi cụ thể, hầu hết khách du lịch không đọc những tấm bảng này.

Tương tự, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu cũng chỉ có các tấm bảng nội quy được đặt cạnh khu vực soát vé xuống tàu. “Tấm bảng không ghi cụ thể du khách được làm gì và không được làm gì khi tham quan vịnh. Nếu ở nhà ga có bảng điện tử, phát loa thông báo thì sẽ gây được sự chú ý và mọi người sẽ đọc khi ngồi đợi làm thủ tục. Một tấm bảng đặt ngay chỗ soát vé thì không thể tiện để đứng lại đọc”, anh Nam đến từ TP Hà Nội nói.

Trước đó trưa 14/5, tàu du lịch Long Giang 68 do anh Trần Duy Cường, 39 tuổi, làm thuyền trưởng, chở 15 du khách tham quan vịnh Hạ Long theo tuyến số 2. Khi quay về, chuẩn bị cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long lúc 17h, du khách Nguyễn Ngọc Phát (43 tuổi, quê Cần Thơ) ra mũi tàu đứng và rơi xuống biển.

Mọi người trên tàu ném phao ứng cứu, nhưng anh Phát đã mất tích trong dòng nước. 21h cùng ngày, thi thể anh được tìm thấy ngay cạnh đó.

Khu vực du khách gặp nạn cách Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long khoảng 30 m, nước sâu khoảng 5 m. Từ mũi tàu xuống đến mặt nước cao gần 2 m. Hôm xảy ra tai nạn, nước không chảy xiết.

Minh Cương (VnExpress)

COMMENTS